Ngôn ngữ:

Sinh hoạt học thuật Bộ môn Tài chính Học kỳ I Năm học 2022 - 2023

Thực hiện chủ trương của Nhà trường về nâng cao năng lực nghiên cứu, kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng nghề cho giảng viên và cán bộ khoa học của Nhà trường, ngày 20 tháng 10 năm 2022, Bộ môn Tài chính đã tổ chức buổi sinh hoạt học thuật. Tham gia buổi sinh hoạt học thuật có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi, gồm: TS. Đỗ Văn Quang – Trưởng Khoa, PGS. TS. Nghiêm Văn Lợi – Phó Trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn Kế toán, TS. Lê Văn Chính – Phó Trưởng khoa.

Buổi sinh hoạt học thuật có 3 chủ đề báo cáo gồm:

  • - Tiếp cận tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam – TS . Đào Thị Hương, Phó trưởng bộ môn Tài chính
  • - Thực trạng nền tảng cho vay ngang hàng tại Việt Nam – TS. Tô Minh Hương, Phó trưởng bộ môn Tài chính
  • - Sự cạnh tranh và tính ổn định của hệ thống ngân hàng – TS. Lê Thanh Phương, Phó trưởng Khoa, Phụ trách bộ môn Tài chính.

Mở đầu buổi sinh hoạt học thuật, TS. Đào Thị Hương trình bày nghiên cứu “Tiếp cận tài chính với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam”. Đây là một đề tài mang tính thiết thực cao tại nước ta hiện nay, với thực trạng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Nghiên cứu của TS. Đào Thị Hương cung cấp thêm những kiến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng, qua đó giúp phát triển quy mô và hoạt động của doanh nghiệp.

TS. Tô Minh Hương tiếp nối buổi sinh hoạt học thuật với phần trình bày về mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending). Là mô hình cho vay không qua trung gian (thường là ngân hàng), mà chỉ cần một nền tảng công nghệ đóng vai trò kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, P2P đã và đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới do những ưu thế về lãi suất và sự nhanh gọn trong các thủ tục đi kèm của nó. Tuy nhiên tại Việt Nam, hình thức cho vay P2P chỉ mới bắt đầu phát triển, mô hình cho vay chưa thống nhất, những công ty cung cấp phần mềm phần lớn là các tổ chức từ nước ngoài, … Quan trọng hơn nữa, TS. Tô Minh Hương cho biết, mô hình P2P cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là cho đối tượng người cho vay. Do vậy song song với việc tạo điều kiện cho sự phát triển của mô hình P2P tại Việt Nam, nhà nước cũng cần có phương án quản lý với hình thức cho vay này, nhằm hạn chế những bất cập nó có thể mang lại.

Kết thúc buổi sinh hoạt, TS. Lê Thanh Phương đã phân tích ảnh hưởng của sự cạnh tranh đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, đây là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của giới học giả trong lĩnh vực kinh tế nói chung và tài chính nói riêng. Đặt nghiên cứu vào bối cảnh một quốc gia có hệ thống ngân hàng đang phát triển là Việt Nam, nghiên cứu của TS. Lê Thanh Phương mang đến nhiều phát hiện mới, bổ sung thêm các nghiên cứu sẵn có trên quốc tế về chủ đề nổi trội này.

Các khách mời đánh giá cao kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu của các báo cáo viên. Buổi sinh hoạt học thuật kết thúc thành công với nhiều kết luận có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Bài viết liên quan: