Ngôn ngữ:

"Bank run" và sự sụp đổ của SVB

Ngày 10/3, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và là ngân hàng lớn nhất tính theo tiền gửi tại thung lũng Silicon, đã phá sản chỉ trong vòng 48 tiếng. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước. Chúng ta cùng tìm hiểu về sự sụp đổ chóng vánh của ngân hàng này.

SVB là gì?

Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Nó cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ được hỗ trợ bởi liên doanh của Hoa Kỳ.

Mặc dù tương đối ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, nhưng SVB nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo FDIC.

Chuyện gì đã xảy ra với SVB

Là ngân hàng ưa thích của lĩnh vực công nghệ, các dịch vụ của SVB luôn có nhu cầu cao trong suốt những năm đại dịch. Cú sốc thị trường ban đầu của Covid-19 vào đầu năm 2020 đã nhanh chóng nhường chỗ cho giai đoạn vàng cho các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lâu đời, khi người tiêu dùng chi tiêu lớn cho các tiện ích và dịch vụ kỹ thuật số. Nhiều công ty công nghệ đã chọn SVB để gửi lượng tiền mặt mà họ sử dụng để trả lương và các chi phí kinh doanh khác, giúp cho lượng tiền gửi của ngân hàng tăng nhanh chóng, từ 60 tỷ USD vào quý 1/2020 lên đến 175 tỷ USD cuối năm 2022. Ngân hàng đã đầu tư một phần lớn tiền gửi, như các ngân hàng vẫn làm.

Mầm mống của sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ việc ngân hàng  đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn, bao gồm cả những trái phiếu được đảm bảo bằng các khoản thế chấp. Những khoản đầu tư trái phiếu này có độ an toàn rất cao, tuy nhiên, một đặc điểm của trái phiếu là có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất; khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm. Vì vậy, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của SVB bắt đầu sụt giảm đáng kể. Nếu SVB có thể nắm giữ những trái phiếu đó cho đến khi chúng đáo hạn, thì SVB sẽ nhận lại được vốn của mình. Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế trở nên tồi tệ trong năm ngoái, với việc các công ty công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt, nhiều khách hàng của ngân hàng bắt đầu rút tiền gửi.

Sự việc bắt đầu bùng nổ ngày 8/3 khi Tập đoàn Tài chính SVB - công ty mẹ của SVB - thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản chứng khoán trị giá 21 tỷ USD và dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để tăng năng lực tài chính, bù đắp các khoản lỗ. Sự việc không đến mức tồi tệ nếu như hôm đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm không đánh tụt hạng SVB, dẫn đến giá cổ phiếu giảm 60% ngày 9/3, cùng với việc một số Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khuyến nghị các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của các Quỹ này rút tiền khỏi SVB. Ngay trong 9/3, khách hàng ồ ạt rút tiền (khoảng 42 tỷ USD tính đến cuối ngày), bất chấp các cuộc điện thoại hay phát ngôn trấn an của lãnh đạo SVB. Sang sáng 10/3, cổ phiếu SVB tiếp tục mất giá thêm 60% và bị buộc rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch.

Điều gì đã kích hoạt cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng (bankrun)?

Fariborz Moshirian, giáo sư tại UNSW và giám đốc Viện Tài chính Toàn cầu cho biết: “Đột ​​nhiên mọi người trở nên lo lắng rằng ngân hàng thiếu vốnGiờ đây, khách hàng đã nhận thức được những vấn đề tài chính sâu sắc tại SVB và bắt đầu rút tiền hàng loạt”.

Không giống như một ngân hàng bán lẻ phục vụ cho doanh nghiệp và hộ gia đình, khách hàng của SVB có xu hướng có tài khoản lớn hơn nhiều. Điều này có nghĩa là hoạt động rút tiền của ngân hàng diễn ra nhanh chóng. Hai ngày sau khi tuyên bố sẽ huy động vốn, công ty trị giá 200 tỷ đô la Mỹ đã sụp đổ, đánh dấu vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tác động của việc SVB phá sản

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, sự sụp đổ của SVB có thể có 4 tác động lớn nhất:

Thứ nhất, với người gửi tiền của SVB: những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi, sẽ sớm nhận bồi thường tối đa 250.000 USD từ 13/3; những khoản không có bảo hiểm tiền gửi sẽ phải chờ FDIC bán tài sản và trả lại sau (một dự báo cho biết, khả năng cao sẽ lấy lại được khoảng 80-85%). Tuy nhiên, nhiều khách hàng là công ty công nghệ sẽ không có tiền trả lương nhân viên trong khi chờ đợi, đây là điều mà các cơ quan chức năng Mỹ đang tính đến khả năng "giải cứu" bằng cách hỗ trợ số tiền lương này. Khó khăn về dòng tiền, sa thải nhân viên trong ngắn và trung hạn mà lĩnh vực này gặp phải càng lớn hơn. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Mỹ năm 2023.

Thứ hai, với thị trường tài chính Mỹ, việc đóng cửa SVB có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được can thiệp sớm từ FDIC và do SVB là ngân hàng đặc thù, với nhóm khách hàng ngách, hoạt động chủ yếu trong nước Mỹ (ngoài một vài chi nhánh tại Anh, Đức, Đan Mạch, Israel...). Nhưng một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn... đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng của Mỹ quan tâm xử lý. Sự cố này cũng có thể sẽ khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới.

Thứ ba, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam: sự việc có tác động nhưng không nhiều, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Thứ tư, sự cố SVB có thể gây ảnh hưởng về tâm lý cho người gửi tiền, nhà đầu tư... khiến họ trở nên thận trọng hơn, đa dạng hóa hơn, điều này cũng có điểm tích cực là thị trường trở nên an toàn, lành mạnh hơn và bớt bong bóng hơn. Mặc dù vậy, tác động như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào quyết sách, hành động và giải pháp của của giới chức Mỹ thời gian tới.

Nguồn: theguardian.com, vnexpress.com

Bài viết liên quan: