Ngôn ngữ:

Tài chính xanh và thực trạng tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, tuy nhiên mô hình phát triển có xu hướng khai thác môi trường và tổn hao nhiều các-bon. Để khắc phục tình trạng này, Chiến lược Tăng Trưởng Xanh (VGGS) đã được ban hành, nhấn mạnh vai trò của cải cách tài chính xanh trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững.

1. Khái niệm tài chính xanh:

Tài chính xanh là khái niệm mô tả các hoạt động tài chính hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nó bao gồm việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của con người lên môi trường, đồng thời thúc đẩy các dự án và hoạt động kinh tế bền vững, thân thiện với hệ sinh thái. Tài chính xanh là công cụ quan trọng để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên (Trần Thị Thu Nhung, 2024). 

2. Một số công cụ của thị trường tài chính xanh

(Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính)

- Trái phiếu xanh: Đây là công cụ vay nợ phát hành bởi các chính phủ, doanh nghiệp, hoặc tổ chức tài chính để tài trợ cho các dự án xanh. Tổng giá trị trái phiếu xanh tại Việt Nam đến tháng 6/2024 đã đạt 1,4 tỷ USD.

- Quỹ đầu tư xanh: Quỹ này đầu tư vào các dự án và công ty có cam kết phát triển bền vững.

- Tín dụng xanh: Các khoản vay được cung cấp cho các dự án có tiêu chí thân thiện với môi trường. Các ngân hàng thương mại mở rộng cung cấp các khoản vay xanh. Dư nợ tín dụng xanh tính đến 31/3/2024 đạt 637.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

- Chứng khoán phái sinh xanh: Các công cụ này bao gồm hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai, dựa trên tài sản hoặc chỉ số liên quan đến tài chính xanh, giúp các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ về xu hướng phát triển của thị trường xanh.

3. Nhu cầu tài chính xanh tại Việt Nam Theo Chiến lược Tăng Trưởng Xanh, Việt Nam cần tối thiểu 30,7 tỷ USD đến năm 2020 và 21,2 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030 để đạt các cam kết theo Đóng góp Xác Định Quốc Gia (INDC). Nhu cầu này gây áp lực lớn đối với nền kinh tế do tổng nợ công và thẳm hụt ngân sách đang ở mức cao (62,2% GDP vào năm 2015).

4. Thực trạng thị trường tài chính xanh tại Việt Nam 

(Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính)

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển tài chính xanh:

 

  • Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (giai đoạn 2012 - 2020 và 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050): Nhằm đạt được thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường và công bằng xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hoà các-bon.

  • Kế hoạch hành động tài chính xanh (2020 - 2025): Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành kế hoạch tăng cường huy động vốn và phát triển sản phẩm tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng.

  • Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo: Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.

Ngoài ra, các chính sách như Luật Bảo vệ Môi trường (2020) và Nịnh định số 95/2018/NĐ-CP đã tăng cường khung pháp lý hỗ trợ tài chính xanh.

5. Khó khăn trong phát triển tài chính xanh

  • Thiếu khung pháp lý đồng bộ: Các quy định pháp lý về tài chính xanh chưa đủ rõ ràng và chuẩn hóa. Một rào cản lớn đối với sự phát triển tài chính xanh tại Việt Nam là sự thiếu hụt các quy định pháp lý rõ ràng và đồng nhất. Hiện tại, việc định nghĩa, đánh giá, và phân loại các dự án xanh vẫn chưa được thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quản lý và triển khai các công cụ tài chính xanh một cách hiệu quả.

  • Nguồn vốn và sự tham gia của nhà đầu tư hạn chế: Khó khăn trong huy động vốn dài hạn. Tại Việt Nam, nguồn vốn dành cho tài chính xanh vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu tài trợ cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường không ngừng gia tăng. Thực trạng này khiến các dự án gặp trở ngại trong việc huy động vốn cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững. Đặc biệt, các doanh nghiệp và tổ chức triển khai dự án xanh thường đối mặt với khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn dài hạn cần thiết.

  • Nhận thức và năng lực hạn chế: Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng chưa đánh giá đúng lợi ích của tài chính xanh. Một thách thức đáng kể trong việc thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam là sự thiếu nhận thức đầy đủ từ cả doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ lợi ích cũng như yêu cầu cần thiết để triển khai tài chính xanh, dẫn đến sự e dè trong việc tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các dự án xanh thường bị đánh giá là phức tạp và khó thực hiện do thiếu hụt kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ và quy trình xanh. Đối với các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại, việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội liên quan đến các dự án xanh vẫn còn nhiều hạn chế. Sự thiếu vắng các công cụ và phương pháp đánh giá rủi ro xanh khiến nhiều ngân hàng lo ngại và do dự trong việc cung cấp tín dụng cho các dự án này.

6. Kết luận và kiến nghị 

Việt Nam có thể học hỏi từ các nước đã phát triển trong việc áp dụng các công cụ tài chính xanh và tăng cường hợp tác quốc tế. Các kiến nghị bao gồm:

  • Hoàn thiện khung pháp lý: Ban hành tiêu chuẩn quốc gia về tài chính xanh.

  • Huy động và phân bổ vốn hiệu quả: Tận dụng các quỹ quốc tế và đầu tư vào công cụ xanh.

  • Nâng cao nhận thức và năng lực: Tăng cường đào tạo và truyền thông về lợi ích tài chính xanh.

  • Phát triển hạ tầng thị trường thứ cấp: Tăng tính thanh khoản và hỗ trợ định giá các sản phẩm tài chính xanh.

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Ngân hàng Nhà nước (2015), Báo cáo nghiên cứu Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam, Viện Chiến lược ngân hàng hợp tác với GIZ của Đức tại Việt Nam;

2. Ngân hàng Nhà nước (2019), Hỗ trợ đầu tư xanh tại Việt Nam: Vai trò của Tổ chức tài chính xanh, Vivid Economics, GBRW, The Asia Foudation chuẩn bị để báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước;

3. Trần Thị Thu Nhung (2024); Thực trạng thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tài chính;

Bài viết liên quan:

Không có bài viết liên quan